Nộp thuế là nghĩa vụ bắt buộc của mỗi doanh nghiệp để gia tăng nguồn thu vào ngân sách Nhà nước. Thuế thu nhập doanh nghiệp (Thuế TNDN) là một trong những loại thuế mà doanh nghiệp phải nộp. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc hạch toán và kê khai đối với loại thuế này. Bài viết sau sẽ giúp bạn giải đáp các vướng mắc nói trên.
Thuế thu TNDN là gì?
Hiện nay, thuế TNDN vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, dựa trên các quy định được ban hành trong các luật, thông tư, nghị định có liên quan, có thể hiểu thuế TNDN như sau: Thuế TNDN là loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp bao gồm: khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và khoản thu nhập khác theo quy định của pháp luật.

Đối tượng nộp thuế TNDN
Căn cứ điều 2 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, người nộp thuế TNDN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế, bao gồm 5 nhóm sau:
- Doanh nghiệp được cấp phép thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam;
- Doanh nghiệp được cấp phép thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;
- Tổ chức được cấp phép thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã;
- Đơn vị sự nghiệp được cấp phép thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh mang lại thu nhập.
Cách hạch toán chi phí thuế doanh nghiệp
Theo quy định, doanh nghiệp có trách nhiệm phải tự xác định số thuế TNDN tạm nộp quý và được trừ số thuế đã tạm nộp với số phải nộp theo quyết toán thuế năm. Căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh quý và các quy định của pháp luật về thuế để doanh nghiệp xác định số thuế TNDN tạm nộp quý.
Công thức để tính thuế TNDN:
Thuế TNDN | = | ( | Thu nhập tính thuế | – | Phần thu để trích lập quỹ khoa học và công nghệ | ) | x | Thuế suất thuế TNDN |
Thu nhập tính thuế

Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế gồm khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và khoản thu nhập khác của doanh nghiệp. Công thức tính thu nhập tính thuế:
Thu nhập tính thuế | = | Doanh thu | – | Chi phí được trừ | + | Các khoản thu nhập khác |
Trong đó:
Doanh thu là toàn bộ số tiền thu được trong quá trình bán hàng, cung cấp dịch vụ, hay các hoạt động sinh lời khác của doanh nghiệp. Căn cứ vào doanh thu, doanh nghiệp có thể tính toán nhiều chỉ số khác.
Chi phí được trừ là khoản chi chi đáp ứng được các điều kiện tại khoản 2 điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, bao gồm:
- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Khoản chi có kê khai đầy đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Khoản chi nếu có hoá đơn kèm theo cho từng lần mua hàng hóa, dịch vụ có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán yêu cầu phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Các khoản thu nhập khác của doanh nghiệp có thể đến từ nhiều hoạt động phát sinh khác nhau trong quá trình kinh doanh. Đó có thể là khoản tiền thu được từ việc nhượng bán, chuyển nhượng tài sản cố định; tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng; lãi tiền gửi; hàng cho, biếu tặng được nhận,…
Tham khảo thêm dịch vụ Văn phòng giao dịch
Thu nhập được miễn thuế
Thu nhập được miễn thuế được quy định chi tiết tại điều 4 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có được thu nhập từ các hoạt động này thì sẽ không phải nộp thuế TNDN.
Thuế suất đối với thuế TNDN
Tùy thuộc vào từng ngành nghề hoạt động và doanh thu mà doanh nghiệp đạt được, mức thuế suất thuế TNDN được áp dụng sẽ khác nhau. Thông thường mức thuế suất này là 20%. Tuy nhiên, đối với các lĩnh vực đặc thù như khai tìm kiếm, thăm dò, thác mỏ, tài nguyên quý hiếm,… thì mức thuế suất sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp được hưởng mức thuế suất ưu đãi thấp hơn so với mức thuế suất thông thường.
Thủ tục nộp thuế TNDN
Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế TNDN
Doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quản quản lý thuế trực tiếp theo quy định pháp luật. Nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế theo cơ chế một cửa liên thông thì địa điểm nộp hồ sơ khai thuế căn cứ theo quy định của cơ chế đó.

Địa điểm nộp thuế TNDN
Doanh nghiệp có thể trực tiếp nộp thuế tại Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan thuế quản lý thu thuế. Hoặc doanh nghiệp có thể thông qua các bên trung gian để nộp thuế. Đó là tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế; ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật. Nếu muốn nộp thuế online thì doanh nghiệp phải truy cập vào trang https://thuedientu.gdt.gov.vn/ để thực hiện nghĩa vụ.
Thời hạn nộp thuế TNDN
Doanh nghiệp có nghĩa vụ phải nộp đủ số thuế và đúng thời hạn vào ngân sách nhà nước. Chậm nhất là ngày thứ 30 trong tháng đầu của quý sau khi phát sinh nghĩa vụ thuế.

Thuế TNDN là yếu tố quan trọng quyết định đến lợi nhuận ròng của mỗi doanh nghiệp. Hiện nay, thuế TNDN được quy định ở nhiều văn bản pháp luật liên quan và tương đối phức tạp. Vì vậy, doanh nghiệp cần nắm bắt kĩ càng các quy định về loại thuế này để tránh rơi vào trường hợp vi phạm pháp luật.
WinPlace chúc các doanh nghiệp thành công!
Add Comment