Kinh tế thị trường phát triển làm nhiều hộ gia đình bước chân vào con đường kinh doanh làm giàu. Bước đầu tiên đó là xin giấy phép để thành lập hộ kinh doanh cá thể.
Để có được giấy phép kinh doanh hộ cá thể, bạn cần phải lưu ý một vài vấn đề quan trọng về thẩm quyền cùng những nội dung liên quan. Đồng thời, khi thực hiện thủ tục làm giấy phép kinh doanh hộ cá thể thì cần phải đúng quy định về hồ sơ, thủ tục.
Đặc điểm chính của hộ cá thể
Hộ cá thể là một trong những loại hình kinh doanh có thể thực hiện các hoạt động thương mại nhưng không phải là một doanh nghiệp. Hộ cá thể không được quy định trong Luật Doanh nghiệp mà có các nội dung cụ thể tại Nghị Định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Bởi vì đây không phải là doanh nghiệp nên hộ cá thể không có tư cách pháp nhân cũng như không có con dấu riêng. Tuy nhiên, pháp luật không cấm hộ kinh doanh khắc con dấu, bạn có thể làm con dấu với tên hộ cá thể, địa chỉ, mã số thuế,…

Những hộ gia đình sản xuất nông lâm ngư nghiệp hoặc bán hàng rong, quà vặt có thu nhập thấp thì không cần phải đăng ký kinh doanh. Trường hợp những hộ gia đình kinh doanh các ngành có điều kiện thì cần phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Hộ kinh doanh thì không được lập hóa đơn đỏ (hay còn gọi là hóa đơn giá trị gia tăng) và vẫn phải chịu thuế với cơ quan Thuế. Ngoài ra, hộ cá thể được phép kinh doanh ở nhiều địa điểm nhưng phải có một trụ sở. Những gia đình kinh doanh hộ cá thể không bị giới hạn sử dụng lao động.
Tham khảo thêm bài viết: 4 bước đăng ký kinh doanh nhanh chóng
Một số lưu ý khi thành lập hộ kinh doanh cá thể
Khi muốn thực hiện thủ tục làm giấy phép kinh doanh hộ cá thể, ngoài việc làm đúng trình tự thì bạn còn phải biết một vài vấn đề quan trọng. Mặc dù không phải là một loại hình doanh nghiệp nhưng pháp luật vẫn có một vài điều kiện khi thành lập hộ kinh doanh cá thể.
Ai có quyền thành lập hộ cá thể?
Một điều cần chú ý khi làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh đó là người chủ hộ phải được pháp luật cho phép đứng đầu hộ cá thể. Nhìn chung, pháp luật cho phép cá nhân người Việt Nam có năng lực hành vi dân sự, đang sinh sống, làm việc trong nước thành lập hộ cá thể. Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp ngoại lệ không được thành lập hộ cá thể bao gồm:
- Những người chưa đủ 18 tuổi hoặc người bị hạn chế, mất năng lực hành vi dân sự hoặc khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015.
- Công dân bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành hình phạt tù hoặc người đang tiến hành các biện pháp giáo dục tại trại cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc
- Những người đang chịu một bản án bị tuyên bởi Tòa Án liên quan đến việc không thể đảm nhiệm các chức vụ, nhiệm vụ của hộ kinh doanh cá thể
- Một số trường hợp mà pháp luật liên quan cấm không được thành lập hộ kinh doanh.
Địa điểm kinh doanh hộ cá thể
Pháp luật quy định rằng hộ kinh doanh có thể thực hiện hoạt động kinh tế ở nhiều nơi nhưng phải có một địa điểm kinh doanh rõ ràng. Địa điểm kinh doanh có thể là nơi tiến hành hoạt động kinh tế của hộ cá thể đó.

Khi tiến hành đăng ký địa điểm kinh doanh thì bạn phải thông báo địa chỉ này cho cơ quan quản lý thuế. Đồng thời, bạn cũng phải khai báo cho cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành những hoạt động kinh doanh với các địa điểm còn lại.
Ngành, nghề của hộ kinh doanh
Khi làm hồ sơ xin phép kinh doanh hộ cá thể thì bạn phải điền thông tin ngành nghề vào giấy đăng ký. Ngoài ra, hộ cá thể có quyền kinh doanh các ngành nghề có điều kiện khi phù hợp với tiêu chuẩn của pháp luật. Các hộ cá thể thực hiện ngành nghề này phải đảm bảo những điều kiện đó trong suốt quá trình kinh doanh.

Nếu như hộ cá thể kinh doanh ngành nghề có điều kiện nhưng lại không đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định thì sẽ bị cơ quan có thẩm quyền tạm ngừng kinh doanh. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể bị xử phạt hành chính nên bạn cần chú ý điều kiện trong suốt quá trình kinh doanh.
Đăng ký thuế cho kinh doanh hộ cá thể
Hộ cá thể khi thành lập thì phải đăng ký thuế với cơ quan quản lý thuế ở địa phương. Những hộ gia đình này đóng thuế môn bài dựa trên thu nhập của bản thân vào mỗi tháng trong quá trình kinh doanh. Cụ thể dựa trên số tiền hằng tháng như sau:
- Thu nhập dưới 300.000 thì đóng 50.000 đồng
- Thu nhập dao động ở mức 300.000 đồng đến 500.000 thì đóng 100.000 đồng
- Thu nhập ở mức 500.000 đồng đến 750.000 đồng thì đóng 300.000 đồng
- Thu nhập khoảng 750.000 đồng đến 1.000.000 đồng thì đóng 500.000 đồng
- Thu nhập nằm ở mức 1.000.000 đến 1.500.000 đồng thì đóng 750.000 đồng
- Thu nhập trên 1.500.000 thì đóng 1.000.000 đồng.
Thủ tục làm giấy phép kinh doanh hộ cá thể
Khi muốn thực hiện thủ tục làm giấy phép kinh doanh hộ cá thể, bạn phải có đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định. Đồng thời, các bước thực hiện cũng phải đúng như quy định của pháp luật thì mới nhanh chóng nhận được giấy phép từ cơ quan có thẩm quyền.
Hồ sơ cần chuẩn bị
Để thành lập hộ cá thể, người chủ hộ kinh doanh phải chuẩn bị một vài loại giấy tờ như sau:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ cá thể theo mẫu đúng của pháp luật
- Các giấy tờ liên quan đến nhân thân của chủ hộ cá thể như CMND/CCCD, sổ hộ khẩu, nếu có các thành viên gia đình đăng ký kinh doanh thì còn phải có thêm giấy tờ của những thành viên này
- Nếu có nhiều thành viên trong hộ gia đình đăng ký kinh doanh thì phải có biên bản họp gia đình liên quan đến việc thành lập hộ cá thể
- Nếu gia đình có nhiều thành viên đăng ký kinh doanh thì phải có văn bản ủy quyền của những người trong nhà cho chủ hộ đứng ra đăng ký hộ cá thể
- Nếu có người nhận ủy quyền thực hiện việc đăng ký giấy phép kinh doanh cho hộ gia đình thì phải có văn bản ủy quyền được công chứng, chứng thực.

Đăng ký hộ kinh doanh cá thể ở đâu?
Sau khi chuẩn bị tất cả các loại giấy tờ theo đúng quy định thì bạn mang đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, nơi đặt địa điểm kinh doanh. Khi đến đó, nộp hồ sơ tại Bộ phận dịch vụ công (bộ phận một cửa) để được xử lý hồ sơ.
Trình tự đăng ký kinh doanh hộ cá thể
Trong thủ tục làm giấy phép kinh doanh hộ cá thể thì phải tiến hành theo đúng trình tự nhất định. Các bước trong việc đăng ký kinh doanh hộ cá thể bao gồm:
- Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký thành lập hộ cá thể tại cơ quan có thẩm quyền ở địa phương đặt địa điểm kinh doanh
- Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và giao biên nhận cho bạn, hồ sơ của bạn sẽ được chuyển đến Bộ phận đăng ký kinh doanh để giải quyết
- Bước 3: Chuyên viên tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và nếu đạt yêu cầu thì trình lãnh đạo ký
- Bước 4: Trao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ cá thể.

Thời hạn giải quyết và số tiền phải nộp
Sau khi bạn nộp hồ sơ, thời gian giải quyết việc cấp giấy phép là 3 ngày làm việc. Trong thời gian này, nếu phát hiện sai sót thì chuyên viên sẽ thông báo để bạn bổ sung hồ sơ. Nếu hồ sơ đã đạt tiêu chuẩn thì bạn sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ cá thể. Lệ phí để giải quyết hồ sơ sẽ được Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định, thường rơi vào mức 100.000 đồng/hồ sơ.
Thủ tục làm giấy phép kinh doanh hộ cá thể được tiến hành theo một trình tự nhất định. Khi muốn làm giấy phép thì bạn cần phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo quy định. Bên cạnh đó, người chủ của hộ kinh doanh cũng phải đáp ứng những điều kiện về năng lực nhận thức cũng như ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bạn nên chuẩn bị hồ sơ cẩn thận để việc đăng ký xin giấy phép dễ dàng hơn.
WinPlace chúc bạn thành công.
Add Comment