Đối với mỗi loại hình doanh nghiệp khác nhau và lĩnh vực kinh doanh khác nhau, số vốn tối thiểu để thành lập doanh nghiệp cũng được pháp luật quy định khác nhau.
Vậy cụ thể thành lập doanh nghiệp tư nhân cần bao nhiêu vốn? Thành lập công ty TNHH cần bao nhiêu vốn? Và thành lập công ty cổ phần cần bao nhiêu vốn? Tất cả mọi thắc mắc của bạn sẽ được giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây!
Thành lập doanh nghiệp tư nhân cần bao nhiêu vốn?
Nhiều chủ doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc khi đăng ký kinh doanh do chưa nắm rõ cách thành lập doanh nghiệp tư nhân như thế nào và số vốn cần có là bao nhiêu. Khi thành lập doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp cần đảm bảo hiểu và nắm rõ sự khác nhau của 3 loại vốn, bao gồm: vốn pháp định, vốn điều lệ, vốn ký quỹ.
Vốn pháp định
Vốn pháp định là số vốn tối thiểu doanh nghiệp phải đáp ứng khi đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện cụ thể về vốn pháp định. Như vậy, vốn pháp định không phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh của công ty.

Cụ thể quy định về vốn pháp định của một số ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh như sau:
- Kinh doanh bất động sản: Vốn pháp định là 20 tỷ đồng ( Xem cụ thể Khoản 1 Điều 3 Nghị định 76/2015/NĐ-CP);
- Kinh doanh hoạt động mua bán nợ: Vốn pháp định là 100 tỷ đồng (Xem cụ thể Điều 7 Nghị định 69/2016/NĐ-CP);
- Kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ: Vốn pháp định là 500 tỷ đồng (Xem Điều 8 Nghị định 69/2016/NĐ-CP);
- Kinh doanh chứng khoán: Vốn pháp định là 10 – 165 tỷ đồng (Xem Nghị định 58/2012/NĐ-CP và Nghị định 86/2016/NĐ-CP);
- Kinh doanh bảo hiểm sức khỏe: Vốn pháp định là 300 tỷ đồng (Xem Nghị định 73/2016/NĐ-CP);
- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ : Vốn pháp định là 2 tỷ đồng (Xem điều 13 Nghị định 104/2007/NĐ-CP);
- Kinh doanh bán lẻ theo phương thức đa cấp: Vốn pháp định là 10 tỷ đồng (Xem điểm b Khoản 1 Điều 7 Nghị định 40/2018/NĐ-CP);
Như vậy, thành lập doanh nghiệp tư nhân cần bao nhiêu vốn phụ thuộc vào ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh của công ty bạn thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vốn pháp định hay không. Quy định về mức vốn pháp định cũng không có nhiều sự khác biệt đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH và công ty cổ phần.
Vốn điều lệ
Vốn điều lệ là số vốn được ghi nhận trong Điều lệ doanh nghiệp. Vốn điều lệ là số vốn góp hoặc số vốn được cam kết góp bởi chủ doanh nghiệp tư nhân trong một thời hạn nhất định theo quy định của Pháp luật.
Vậy thành lập doanh nghiệp tư nhân cần bao nhiêu vốn điều lệ? Pháp luật không ràng buộc cụ thể về mức vốn điều lệ, tuy nhiên, đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện về số vốn pháp định tối thiểu, thì vốn điều lệ phải lớn hơn hoặc bằng vốn pháp định. Trường hợp vốn điều lệ nhỏ hơn vốn pháp định thì doanh nghiệp không đủ điều kiện thành lập.
Đối với ngành nghề kinh doanh không có điều kiện về vốn pháp định, chủ doanh nghiệp có quyền đăng ký mức vốn điều lệ thành lập công ty phù hợp với tiềm lực tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức vốn điều lệ là một tiêu chí thể hiện sự uy tín của doanh nghiệp, vì vậy, bạn nên cân nhắc lựa chọn mức vốn điều lệ thành lập công ty thích hợp nhất.

Vốn ký quỹ
Vốn ký quỹ là một bộ phận thuộc vốn pháp định. Nhiều chủ doanh nghiệp thắc mắc khi thành lập doanh nghiệp tư nhân cần bao nhiêu vốn ký quỹ. Đáp án chính là không phải ngành nghề kinh doanh nào cũng yêu cầu về vốn ký quỹ. Một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vốn pháp định mới có yêu cầu về vốn ký quỹ.
Vốn ký quỹ là khoản vốn mà doanh nghiệp tư nhân cần ký quỹ tại một tổ chức tín dụng (hệ thống ngân hàng). Cụ thể, sau khi doanh nghiệp mở tài khoản ngân hàng, trong tài khoản này luôn phải duy trì một số tiền thực tế (vốn ký quỹ).
Số tiền này có thể là tiền mặt hoặc các kim loại quý (vàng, bạc, đá quý,…) hoặc các giấy tờ có giá. Vốn ký quỹ được duy trì trong hệ thống ngân hàng nhằm đảm bảo doanh nghiệp có đủ khả năng thực hiện các nghĩa vụ của mình, đảm bảo trong các trường hợp rủi ro xảy ra đối với doanh nghiệp.
Ví dụ trong trường hợp doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán và bị phá sản, thì số tiền ký quỹ này chính là một khoản đảm bảo doanh nghiệp có đủ khả năng thực hiện nốt nghĩa vụ trả nợ/ bồi thường thiệt hại đối với các đối tác/ bên có liên quan.
Vốn ký quỹ có chức năng chứng minh năng lực tài chính của doanh nghiệp. Hiện nay, đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, pháp luật có quy định về vốn pháp định và vốn ký quỹ để chứng minh vốn (khả năng tài chính) khi đăng ký thành lập.
Tham khảo thêm dịch vụ đặt địa chỉ kinh doanh tại WinPlace
Vốn từ nhà đầu tư
Ngoài ba loại vốn trên, nếu bạn là một nhà đầu tư đến từ nước ngoài đang có mong muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam thì cần tìm hiểu thêm các quy định về Vốn từ nhà đầu tư.
Vốn từ nhà đầu tư là vốn thành lập doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam được đóng bởi nhà đầu tư người nước ngoài. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc người nước ngoài thành lập công ty tư nhân tại Việt Nam.
Thành lập Công ty TNHH cần bao nhiêu vốn?
Tương tự như thành lập doanh nghiệp tư nhân, khi thành lập Công ty TNHH cũng có 3 loại vốn mà chủ đầu tư cần hiểu rõ.

Thứ nhất, đối với vốn pháp định: Tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh mà pháp luật sẽ quy định ngành nghề đó cần có vốn pháp định hay không, nếu cần thì mức vốn tối thiểu để thành lập công ty TNHH là bao nhiêu.
Thứ hai, đối với vốn điều lệ: Trong trường hợp pháp luật có quy định về mức vốn pháp định thì các thành viên góp vốn cần đảm bảo tổng số vốn góp ở mức lớn hơn hoặc bằng vốn pháp định. Các thành viên chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh doanh và nghĩa vụ đối với công ty trong phạm vi số vốn góp của mình.
Thứ ba, đối với vốn ký quỹ: Đối với những ngành nghề kinh doanh có nhiều rủi ro, pháp luật sẽ quy định về mức ký quỹ tối thiểu để doanh nghiệp chứng minh về khả năng tài chính của mình và đảm bảo có đủ khả năng thực hiện các nghĩa vụ thanh toán/ trả nợ/… khi doanh nghiệp phá sản.
Thành lập Công ty cổ phần cần bao nhiêu vốn?
Thứ nhất, đối với vốn pháp định: Đối với ngành nghề có điều kiện về vốn pháp định, công ty cổ phần phải đảm bảo đáp ứng được số vốn tối thiểu này để đủ điều kiện thành lập công ty.

Thứ hai, đối với vốn điều lệ:
Vốn điều lệ là tổng số vốn được góp hoặc được cam kết góp bởi các cổ đông trong một thời hạn nhất định thông qua việc mua cổ phiếu và nắm giữ cổ phần của công ty.
Như vậy, tại thời điểm đăng ký thành lập công ty cổ phần, vốn điều lệ được ghi trong điều lệ công ty chính là tổng giá trị mệnh giá của tổng số cổ phiếu được đăng ký mua bởi các cổ đông của công ty. Các cổ đông của công ty cổ phần có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của công ty theo tỷ lệ cổ phần mà mình nắm giữ.
Thứ ba, vốn ký quỹ: Pháp luật có quy định cụ thể về mức vốn ký quỹ đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Mức vốn ký quỹ của công ty cổ phần giúp công ty chứng minh năng lực tài chính và đảm bảo khả năng thực hiện các nghĩa vụ pháp lý trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình.
Tóm lại, hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về việc thành lập doanh nghiệp tư nhân cần bao nhiêu vốn. Điều này cũng tương tự đối với các loại hình doanh nghiệp khác như Công ty TNHH và Công ty cổ phần. Mức vốn tối thiểu để thành lập doanh nghiệp phụ thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của công ty. Ngoài ra, thành lập công ty cần bao nhiêu vốn còn phụ thuộc vào tiềm lực tài chính và các chiến lược kinh doanh của chủ doanh nghiệp.
WinPlace chúc các doanh nghiệp thành công!
Add Comment