Ở phần trước, WinPlace đã có chia sẻ chung nhất về Savior Complex là gì và biểu hiện của hội chứng này. Tiếp theo, chúng tôi sẽ tổng hợp đến những tác động của Savior Complex lên cuộc sống của “khổ chủ”.
Savior Complex là gì? Và nó ảnh hưởng đến “thân chủ” như thế nào?
Không phải cứ mỗi khi ai đó gặp khó khăn là họ sẽ cần được giúp đỡ. Nếu bạn có thể tự xoay sở để giải quyết vấn đề của mình, thì người khác cũng vậy.
Nếu bạn cố gắng thay đổi một người trong khi họ vẫn chưa sẵn sàng để thay đổi. Thì mọi nỗ lực của bạn thật ra chỉ là công cốc mà thôi. Chưa kể, việc giúp đỡ người khác một cách mù quáng sẽ khiến bạn gặp những vấn đề sau đây:
Kiệt sức
Bất kỳ công việc nào cũng sẽ có ít nhiều thử thách. Chúng ta đều cần phải đối mặt với những thử thách đó nếu muốn thăng tiến trong công việc. Vì chỉ có như vậy thì chúng ta mới trưởng thành và phát triển được.

Nếu bạn quá chú tâm vào việc giải quyết vấn đề của đồng nghiệp. Sau cùng, bạn sẽ chẳng còn thời gian và năng lượng để giải quyết công việc của chính mình. Bạn sẽ cảm thấy bị kiệt sức, mệt mỏi và cạn kiệt năng lượng. Từ đó thiếu minh mẫn khi làm việc, không thể hiện được năng lực của mình một cách trọn vẹn.
Và thế là người khác sẽ làm việc hiệu suất hơn, được thăng tiến và có mức sống ổn định. Còn bạn thì cứ mãi sa sút, thua kém đồng nghiệp của mình.
Không được lòng đồng nghiệp
Nếu bạn tưởng rằng việc giúp đỡ và bảo ban đồng nghiệp của mình sẽ khiến họ yêu mến bạn hơn, thì bạn đã lầm to!
Vì khi thể hiện cho người khác thấy bạn có thể giúp cho họ vượt qua khó khăn. Bạn đang phần nào chứng tỏ rằng bạn giỏi giang và từng trải hơn họ. Và rằng họ sẽ không thể làm nên trò trống gì mà không có bạn cả.

Điều đó sẽ khiến cho những người được bạn giúp chẳng những không trân trọng bạn. Mà còn thêm phần khó chịu và xa lánh bạn hơn. Vì họ cảm thấy bạn đang không tôn trọng thực lực cũng như cảm xúc của họ.
Cũng giống bạn, không ai muốn cảm thấy mình là người bất tài và vô dụng. Nhưng khi bạn gạt họ sang một bên và chỉ tập trung “giúp đỡ” họ, cho dù họ không cần điều đó. Nó khiến cho đối phương tin rằng bạn đang không hài lòng điều gì ở họ. Những mâu thuẫn nhỏ nhặt như vậy góp phần tạo ra một môi trường làm việc không lành mạnh chút nào.
Cảm thấy thất bại
Hội chứng hiệp sĩ trắng khiến bạn tin rằng bạn có khả năng thay đổi cuộc đời người khác. Trên thực tế, đó chỉ là ảo tưởng mà thôi. Không một ai, kể cả bạn, có thể thay đổi người khác.
Những ảo tưởng này khiến cho bạn luôn cố gắng giúp đỡ người khác để chứng minh những gì bạn nghĩ là đúng. Để rồi nếu như mọi chuyện không như bạn nghĩ, bạn sẽ cảm thấy tuyệt vọng và thất bại.

Vì việc giúp đỡ mọi người có một mối liên kết chặt chẽ với giá trị bản thân của bạn. Vậy nên nếu bạn không thể giúp được ai trong một thời gian dài. Bạn sẽ cảm thấy bản thân thật vô dụng.
Từ đó khắt khe với chính mình hơn, cảm thấy tội lỗi và bất mãn với hiện thực. Bạn sẽ liên tục nhảy việc cho đến khi tìm kiếm được một môi trường mà mọi người công nhận khả năng và sự giúp đỡ của bạn.
Những vấn đề tâm lý
Hội chứng savior complex không được đề cập trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM). Vậy nên nó không phải là một chứng rối loạn tâm thần hay được chẩn đoán là bệnh.

Tuy nhiên, cảm giác thất bại khi không giúp đỡ được người khác có thể khiến bạn gặp phải một số vấn đề nghiêm trọng về tâm lý.
Chẳng hạn như: trầm cảm, mất khả năng kiểm soát bản thân, khắt khe với bản thân và những người xung quanh. Thậm chí, bạn sẽ nảy sinh cảm giác thù ghét với những người từ chối sự giúp đỡ của bạn.
Savior Complex ảnh hưởng đến người khác như thế nào?
Dù có ý tốt, nhưng việc giúp đỡ người khác vô tội vạ ảnh hưởng đến những người xung quanh nhiều hơn bạn nghĩ.
Chẳng hạn như nếu bạn ngỏ lời phụ giúp đồng nghiệp của bạn làm một task gì đó mà bạn không có kinh nghiệm trước đó. Việc đó sẽ chỉ khiến cho cả bạn, và đồng nghiệp của bạn mất thêm thời gian mà kết quả lại không tốt như mong đợi.
Thêm nữa, nếu chỉ lo giúp cho đồng nghiệp của bạn hoàn thành công việc, thay vì tập trung làm tốt việc của mình. Bạn có thể sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ làm việc chung của cả công ty. Lâu dần, sự trì trệ trong công việc của bạn có khả năng sẽ khiến công ty thiệt hại rất nhiều tiền. Hoặc hình ảnh của công ty cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Làm thế nào để thoát khỏi Savior Complex?
Trở thành “siêu anh hùng” kéo theo rất nhiều áp lực không đáng có. Ngoài ra, bạn còn có nguy cơ rơi vào các mối quan hệ không lành mạnh với bạn bè, đồng nghiệp. Nếu bạn đang rối bời vì không biết làm sao để thoát khỏi tình trạng này, điều đầu tiên cần làm là hãy thẳng thắn đối mặt với vấn đề.
Tin vui là bạn hoàn toàn có thể thay đổi được điều này. Dưới đây là một số cách hiệu quả để giúp bạn thoát khỏi hội chứng savior complex:
Hiểu rằng bạn chỉ kiểm soát được chính bạn
Ai cũng đều phải đối mặt với những khó khăn và thử thách ít nhất một lần. Bởi đó là một phần của cuộc sống. Mà cuộc sống thì không có chỗ cho những ảo tưởng viển vông xảy ra.
Dù thế nào đi chăng nữa, vấn đề của người khác sẽ không bao giờ là mối bận tâm của bạn. Mỗi người nên tự giải quyết vấn đề của mình một cách độc lập.

Dĩ nhiên là bạn vẫn có thể giúp đỡ họ. Thế nhưng bạn vẫn cần phải nhớ rằng, dù có thân thiết đến cách mấy, thì bạn cũng không có trách nhiệm phải gánh vác vấn đề của người khác.
Có thể cách người khác xử lý vấn đề của họ khiến bạn không đồng tình lắm. Nhưng nếu thực sự yêu quý một người, bạn nên cho người đó cơ hội được học hỏi từ những sai lầm và tự trưởng thành hơn.
Bất kể người đó có lựa chọn điều gì, dù nó có phù hợp với họ hay không, hãy tin rằng đó là những gì họ thấy tốt nhất với họ vào thời điểm đó.
Tham khảo thêm dịch vụ Thành lập mới tại WinPlace
Thấu hiểu thay vì đòi giải quyết
Rõ ràng là thật khó cưỡng lại cảm giác muốn bắt tay vào giải quyết vấn đề khi chúng ta thấy nó xuất hiện. Nhưng nếu đó là vấn đề của người khác, hãy kiên nhẫn với họ hơn một chút.

Rất có thể họ tìm đến bạn và tâm sự với bạn về những gì họ đang trải qua, không phải là để bạn giúp họ vượt qua đâu. Có thể họ chỉ muốn nói ra hay than vãn với bạn một chút cho nhẹ lòng hơn mà thôi.
Khi ai đó nói với bạn về vấn đề của họ, đó cũng là lúc họ đang tự nói chuyện và nhìn nhận vấn đề của mình. Thay vì cắt ngang việc chia sẻ của họ, hãy bày tỏ sự thấu hiểu của bạn bằng cách lắng nghe những gì mà họ nói. Và nhất là không bày tỏ quan tâm điểm cá nhân của bạn nếu bạn chưa hiểu rõ vấn đề.
Sẵn lòng giúp đỡ – nhưng chỉ khi họ cần
Để hạn chế trở thành “siêu anh hùng”, tốt nhất là bạn không nên giúp đỡ ai trừ khi họ nhờ bạn làm điều đó. Chỉ cần thể hiện rằng bạn sẽ luôn sẵn lòng giúp đỡ họ đã là một việc tốt lắm rồi.

Mỗi khi đồng nghiệp của bạn gặp vấn đề, thay vì cố gắng nhúng tay vào chuyện đó. Hãy nói với họ rằng bạn sẵn lòng giúp đỡ họ nếu họ cần. Phần lớn trường hợp, mọi người không thật sự cần ai đó giúp đỡ đâu.
Nhưng nếu trong trường hợp đồng nghiệp của bạn cần bạn giúp việc gì đó. Hãy lắng nghe và làm theo những gì họ muốn, chứ không phải cố gắng làm theo ý bạn.
Tự nhìn lại mình
Có thể bạn không nhận ra, nhưng biết đâu giúp đỡ người khác chính là cách để bạn đối mặt với những tổn thương của bạn trong quá khứ. Hoặc những vấn đề của bạn ở hiện tại.

Cách tốt nhất là bạn nên dành thời gian để tìm hiểu xem điều gì đang khiến bạn tổn thương và vì sao bạn lại hành động như hiện tại.
Thay vì sống vì người khác, hãy thực sự sống vì chính bạn bằng cách tự thay đổi bản thân và trở thành phiên bản tốt nhất của chính bạn.
Tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia
Đôi khi việc thừa nhận bản thân đang gặp vấn đề và tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý lại là điều tốt nhất nên làm. Bởi các chuyên viên tham vấn tâm lý đã được đào tạo kỹ lưỡng để giúp bạn vượt qua khó khăn về mặt tinh thần. Vậy nên họ sẽ biết nên làm thế nào để hỗ trợ bạn.

Bạn có thể tìm đến các dịch vụ tham vấn tâm lý để giải quyết những vấn đề ở hiện tại mà bạn đang gặp phải. Hoặc tìm hiểu về những tổn thương trong quá khứ của mình. Dù là gì, bạn cũng không nên e ngại hay xấu hổ về việc này. Đôi khi siêu anh hùng cũng cần được giúp đỡ mà!
Làm gì khi có đồng nghiệp là “siêu anh hùng”?
Nếu vô tình biết được đồng nghiệp của bạn đang gặp phải hội chứng hiệp sĩ trắng, làm thế nào để “đáp lại” lòng tốt của họ mà không khiến cả hai đều khó xử?
Thẳng thắn khước từ sự giúp đỡ
Dù mọi “siêu anh hùng” đều có nhã ý tốt khi họ muốn giúp đỡ bạn. Điều đó cũng không có nghĩa là bạn bắt buộc phải biết ơn họ và để họ nhúng tay vào chuyện riêng của bạn.

Nhưng thay vì khước từ họ một cách thẳng thừng, bạn có thể bày tỏ sự thấu hiểu của bạn bằng những câu nói như:
- Tôi hiểu rằng bạn muốn giúp tôi vì bạn quan tâm đến tôi. Nhưng tôi muốn được tự mình giải quyết việc này để có thể rút kinh nghiệm trong tương lai.
- Bạn mà không để tôi tự giải quyết vấn đề của mình nghĩa là bạn đang xem thường tôi đấy!
Gợi ý cho họ cách tự giúp bản thân

Những “siêu anh hùng” lựa chọn quan tâm đến người khác vì họ đang không biết làm thế nào để quan tâm bản thân mình. Nếu bạn quan tâm đến đồng nghiệp của mình, hãy gợi ý cho họ một số cách để họ tự nhìn nhận bản thân. Chẳng hạn như:
- Gợi ý cho họ cách đối mặt với thử thách tích cực hơn
- Khuyên bảo họ bao dung với bản thân họ mỗi khi thất bại hay làm sai chuyện gì đó
- Hướng dẫn họ cách chủ động lắng nghe và chỉ giúp đỡ người khác khi được nhờ
Hiển nhiên là không ai có thể thay đổi người khác cả. Nhưng nếu bạn đối xử tốt với bản thân mình, những gì bạn làm có thể truyền cảm hứng cho người khác. Nhờ đó, họ cũng sẽ có động lực để thay đổi bản thân tốt hơn.
Động viên họ tìm kiếm sự giúp đỡ
Đến cả siêu anh hùng cũng cần được giúp. Nếu cả hai cách trên đều không “xi nhê” với đồng nghiệp của bạn, hãy thử động viên họ tìm đến các chuyên gia tham vấn tâm lý để được giúp đỡ tốt hơn.

Có thể bạn sẽ không thể giúp đỡ cho họ vượt qua trở ngại tâm lý của mình. Nhưng bạn có thể đem lại cho họ những lời động viên và sự công nhận.
Nhiều người ngại đi tham vấn tâm lý có thể là vì họ sợ người khác sẽ kì thị họ. Vậy nên những lời động viên chân thành của bạn sẽ giúp họ rất nhiều. Bạn cũng có thể gợi ý cho họ đến gặp các chuyên gia tâm lý mà bạn tin tưởng để họ thấy rằng bạn luôn ủng hộ họ.
WinPlace chúc các doanh nghiệp thành công!
Add Comment