Những tưởng nỗi lo cơm áo gạo tiền, hôn nhân, sự nghiệp đã là những áp lực khủng khiếp, đè nặng lên vai của người trưởng thành. Thế nhưng trên hành trình của nhiều bạn trẻ hiện nay còn tồn tại thêm một thứ áp lực nữa, gọi là “áp lực đồng trang lứa”. Hay còn được biết đến với tên “peer pressure”.
Peer pressure là gì?
Peer pressure (còn gọi là “áp lực đồng trang lứa”) là các ảnh hưởng được tạo ra bởi những người trong cùng một nhóm xã hội. Peer pressure cũng thường được dùng để nói về những tác động mà một cá nhân phải chịu từ những ảnh hưởng này. Buộc họ phải thay đổi mục tiêu, thái độ, nhân sinh quan,… để được chấp nhận bởi nhóm xã hội đó.

Thông thường, nhóm xã hội của một người sẽ bao gồm bạn bè, đồng nghiệp, những người cùng tuổi, cùng chuyên môn, cùng địa vị xã hội với người đó.
Peer pressure không phải lúc nào cũng tiêu cực như nhiều người thường nghĩ. Trong một số trường hợp, peer pressure cũng tạo ra động lực giúp chúng ta phấn đấu để phát triển bản thân.
Ví dụ như thúc đẩy một người phải đặt ra những mục tiêu tài chính lớn. Từ đó tạo động lực cho người đó lập kế hoạch để sở hữu nhiều tài sản hơn.
Peer pressure có thể xảy ra với mọi độ tuổi, từ trẻ em, thanh thiếu niên cho đến người trưởng thành. Trong đó, thanh thiếu niên thường là đối tượng dễ gặp phải peer pressure nhất do sự thiếu hụt kỹ năng sống. Tuy nhiên, peer pressure cũng là “cơn ác mộng” dai dẳng của nhiều người đang đi làm.
Vì sao chúng ta bị ảnh hưởng bởi peer pressure?
Có nhiều lý do vì sao chúng ta bị ảnh hưởng bởi peer pressure. Nguyên do đó có thể xuất phát từ ngoại cảnh. Nhưng cũng có thể được quyết định bởi những yếu tố nội tại của một người.
Dưới đây là một số nguyên do giải thích cho câu hỏi vì sao chúng ta thường bị peer pressure:
Chưa phát triển nhân cách toàn diện
Những người gặp phải peer pressure thường là do chưa phát triển toàn diện về mặt nhân cách. Họ chưa nhận thức được giá trị của bản thân mình là gì. Và cũng chưa xác định được mục tiêu, định hướng tương lai cho mình. Do đó, những quyết định mà họ đưa ra hay cách mà họ hành xử sẽ bị ảnh hưởng bởi nhóm xã hội của họ.

Những người đã xác định được giá trị bản thân của mình, ngược lại, luôn biết mình cần gì. Họ cũng hiểu rõ năng lực của mình tới đâu. Do đó không cần phải đuổi theo những mục tiêu hoang đường chỉ để gây ấn tượng với người khác.
Nhu cầu được công nhận và thuộc về
Con người là loài động vật có đặc tính bầy đàn rất cao. Từ thời nguyên thủy, con người đã hình thành các bộ lạc, có vai trò như các nhóm xã hội ngày nay. Và rồi tồn tại, sinh sống và duy trì nòi giống cùng bộ lạc của mình.
Trong tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu được thuộc về đứng thứ 3. Chỉ sau nhu cầu sinh học và nhu cầu an toàn. Vì vậy, nhu cầu được cộng đồng công nhận cũng là một tác nhân gây ra peer pressure.
Áp lực được công nhận của một người càng lớn, họ càng có xu hướng điều chỉnh thái độ, hành vi của mình sao cho phù hợp với tiêu chuẩn của nhóm xã hội mình tham gia.
Chủ nghĩa tập thể
Sự khác biệt văn hóa tại môi trường sống của một người cũng ảnh hưởng nhiều đến hành vi của người đó. Hầu hết các quốc gia Á Đông coi trọng chủ nghĩa tập thể (collectivism). Trong khi văn hóa phương Tây lại chú trọng nhiều hơn đến chủ nghĩa cá nhân (individualism).
Chủ nghĩa tập thể cho rằng mỗi cá nhân không thể đứng riêng lẻ mà luôn có sự kết nối với nhau. Và một người sẽ được định nghĩa dựa trên mối quan hệ giữa họ với những người trong cùng nhóm xã hội mà họ thuộc về.

Khuynh hướng so sánh của chủ nghĩa tập thể thường dựa trên các yếu tố bên ngoài như tài sản, công việc, điểm số,… để đánh giá một cá nhân.
Đó là lý do vì sao đa phần người Á Đông chúng ta trong quá trình trưởng thành thường bị so sánh với “con nhà người ta”. Khi đi học thì bị so sánh về thành tích học tập, điểm số. Đến lúc đi làm lại bị so sánh về chức vụ, công việc, thu nhập, mối quan hệ.
Những thứ đó vô hình chung tạo ra cho thế hệ trẻ Á Đông áp lực đồng trang lứa ngay khi vừa có nhận thức. Áp lực này sẽ tăng trưởng tỷ lệ thuận với độ tuổi của một người. Tức là càng lớn, con người ta càng bị đánh giá nhiều hơn.
Mạng xã hội
Trong thời đại phát triển công nghệ số hiện nay, rõ ràng MXH là thứ không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người. Thế nhưng, nếu MXH không được khai thác đúng công dụng thì nó sẽ trở thành “con dao hai lưỡi”.
Một mặt giúp chúng ta cập nhật thông tin và kết nối với mọi người nhanh chóng. Một mặt lại khiến chúng ta cảm thấy áp lực khi nhìn thấy cuộc sống tích cực, thành đạt của những người mà mình quen biết.
Ảnh hưởng của peer pressure
Bất kỳ một hiện tượng nào cũng tồn tại hai mặt tích cực và tiêu cực của nó. Không thể khẳng định peer pressure chỉ tạo ra những áp lực tiêu cực cho chúng ta. Bởi bên cạnh mặt tiêu cực, peer pressure cũng phần nào giúp chúng ta nhiều hơn chúng ta tưởng.
Ảnh hưởng tiêu cực
Áp lực đồng trang lứa có khả năng khuyến khích nạn bắt nạt xảy ra. Đặc biệt là tại các trường học, nơi công sở,…
Những cá nhân quá khác biệt với tập thể có khả năng cao sẽ bị loại trừ bởi những người trong tập thể đó.
Chẳng hạn như một nhân viên mới chưa hòa nhập với công ty có thể sẽ bị nhân viên cũ tẩy chay, cô lập. Nhân viên mới khi vào công ty cũng tự có áp lực phải làm quen, thích nghi nhanh với môi trường làm việc mới. Từ đó dẫn đến việc thúc ép bản thân phải điều chỉnh lại thái độ, nề nếp để phù hợp với văn hóa công ty.

Môi trường làm việc của bạn có lành mạnh hay không cũng rất quan trọng. Một số công ty có văn hóa chia phe phái, tách biệt tập thể làm việc. Những phe phái này thường sẽ đối chọi với nhau trên một phương diện nào đó.
Ở những môi trường như vậy, nhiều người buộc phải chọn đi theo một phe nhất định. Bởi rõ ràng là chúng ta khó mà tồn tại được khi chỉ có một mình. Và việc giữ thái độ trung lập có thể khiến họ bị cô lập. Nhưng đôi khi thậm chí họ sẽ phải từ bỏ chính kiến, mối quan hệ của mình để phù hợp với phe phái đó.
Tham khảo thêm bài viết về áp lực đồng trang lứa nguyên nhân và cách vượt qua
Ảnh hưởng tích cực
Ngược lại, peer pressure cũng có thể mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta nếu nó tạo động lực để chúng ta đạt được những mục tiêu to lớn. Hoặc khuyến khích mỗi người theo đuổi những thói quen lành mạnh.
Ví dụ như những đồng nghiệp mà bạn thân thiết trong công ty có thói quen cùng đi chạy bộ sau giờ làm việc. Vậy là bỗng dưng bạn cũng muốn chạy bộ sau giờ làm để tham gia cùng với họ. Vừa vui, vừa thêm thân thiết với đồng nghiệp lại còn tốt cho sức khỏe.
Hay chẳng hạn như một người đồng nghiệp trong công ty quyết định đi học thêm một môn kĩ năng mới để hỗ trợ cho công việc. Bạn cũng sẽ có động lực để trau dồi môn kỹ năng đó chỉ vì đồng nghiệp của bạn làm vậy. Nhưng suy cho cùng thì bạn cũng có một kỹ năng mới có ích cho mình.
4 tips giúp bạn đối mặt với peer pressure
Thấu hiểu bản thân
Để thoát khỏi peer pressure, điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ bản thân mình. Xác định điểm mạnh, điểm yếu của mình, năng lực của mình là gì. Quan trọng hơn hết, bạn cần biết mục tiêu mà mình muốn đạt được trong sự nghiệp hay cuộc sống là gì.
Khi bạn thấu hiểu bản thân, không ai có thể thay đổi được giá trị của bạn. Đặc biệt là khi rơi vào trường hợp buộc phải đưa ra quyết định, bạn cũng biết mình muốn gì để không thay đổi theo ý muốn của người khác.

Trân trọng chính mình
Về cơ bản, peer pressure là thay đổi bản thân để phù hợp với tiêu chuẩn của người khác. Do đó, peer pressure có thể được cải thiện nếu bạn biết cách thay đổi tập trung của mình.
Nếu hầu hết những gì bạn đang quan tâm là những yếu tố bên ngoài mà bạn không thể kiểm soát được, hãy bắt đầu để ý đến những điều bạn có thể kiểm soát thay vào đó.
Dành nhiều thời gian cho những người tôn trọng bạn, làm những việc mà bạn yêu thích, làm công việc mà bạn luôn mong muốn.
Khi biết trân trọng chính mình, bạn không những sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Mà còn có thể chủ động kiểm soát được cuộc đời của mình. Không bị ảnh hưởng hay lệ thuộc vào tiêu chuẩn của bất cứ ai.
Tránh xa những mối quan hệ tiêu cực
Những người tiêu cực sẽ chỉ mang lại điều tồi tệ cho cuộc sống của bạn mà thôi. Thay vì dành thời gian cho những người thường xuyên đánh giá, so sánh bạn. Hãy sàng lọc lại những mối quan hệ xã hội của mình.
Ở bên cạnh người mình yêu thích, những người giúp bạn tạo mục tiêu phấn đấu và những người có cùng hệ giá trị với bạn.
Tránh xa những mối tiêu cực này, bạn sẽ cải thiện được lòng tự tôn của mình, kết nối với bản thân chặt chẽ hơn. Đồng thời điều đó cũng có ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn nữa.
Bạn luôn được lựa chọn
Khi còn đi học, lựa chọn của bạn trong bài kiểm tra sẽ chỉ rơi vào hai trường hợp: đúng hoặc sai. Nhưng khi rời khỏi ghế nhà trường, thực tế không bao giờ chỉ có hai lựa chọn.
Mỗi một tình huống xảy ra đều có nhiều hơn hai lựa chọn cho bạn. Việc mà bạn cần quan tâm là lựa chọn nào phù hợp với mình nhất. Điều này chỉ có thể thực hiện sau khi bạn đã hiểu rõ chính mình.
Nhưng dù cho bạn có lựa chọn điều mà bạn không mong muốn, cũng đừng tự đổ lỗi cho bản thân. Hãy hiểu rằng điều đó có lý với bạn ở thời điểm đó và tôn trọng quyết định của chính mình.
WinPlace chúc các bạn thành công!
Add Comment