Sau khi thành lập công ty có rất nhiều việc buộc các doanh nghiệp phải làm để tránh những thiếu sót hay xử phạt không đáng có. Hầu hết, các công việc này đều do bộ phận kế toán trong công ty đảm nhận. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin về những việc kế toán cần làm khi công ty mới thành lập.
Tham khảo thêm bài viết: Ưu điểm của việc nộp thuê điện tử
Thực hiện đăng ký tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp bắt buộc đăng ký tài khoản ngân hàng để giao dịch và kê khai thuế. Giao dịch có giá trị lớn hơn 20 triệu, doanh nghiệp bắt buộc thanh toán với hình thức chuyển khoản qua tài khoản đã đăng ký với cơ quan Thuế. Cạnh đó, nếu muốn được chiết khấu trừ thuế GTGT thì doanh nghiệp phải có tài khoản ngân hàng đăng ký tại cơ quan Thuế.

Đối với các doanh nghiệp mới thành lập, kế toán cần có trách nhiệm lập tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp. Đồng thời, kế toán có trách nhiệm đăng ký tài khoản này với cơ quan Thuế theo mẫu 08/MST (tại đây) trong vòng 10 ngày kể từ ngày mở tài khoản ngân hàng.
Mua chữ ký số
Chữ ký số, chữ ký điện tử được xem là công cụ quan trọng của doanh nghiệp. Đây là thiết bị dùng để thực hiện thủ tục/nộp hồ sơ qua mạng như giao dịch ngân hàng, ký hợp đồng online,… Thông qua chữ ký số, hay chữ ký điện tử thì doanh nghiệp sẽ không mất thời gian đi lại, in ấn hay đóng dấu.
Để có thể sử dụng chữ ký số hay chữ ký điện tử, sau khi mua chữ ký số tại các đơn vị cung cấp như viettel, FPT, Vina, BKAV,… phải đăng ký với cơ quan Thuế và được ngân hàng xác nhận.
Đăng bố cáo về thành lập công ty/ doanh nghiệp
Trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, kế toán có trách nhiệm đăng bố cáo thành lập công ty mới. Đồng thời thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Bạn có thể đăng bố cáo về thành lập công ty với một trong các phương thức sau:
- Thực hiện trực tiếp tại văn phòng Đăng ký Kinh doanh;
- Thực hiện trực tiếp tại Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh trực thuộc Cục Quản lý đăng ký kinh doanh;
- Thực hiện gián tiếp thông qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia;
Mức phí đăng bố cáo thành lập công ty/ doanh nghiệp là 300.000 đồng/lần. Tuy nhiên, theo Điểm mới về đăng ký giấy phép kinh doanh có hiệu lực từ 2021 nếu doanh nghiệp bị từ chối cấp giấy phép, mức phí này sẽ được hoàn trả cho đơn vị.
Thực hiện kê khai thuế môn bài
Với mỗi doanh nghiệp mới thành lập thì việc đầu tiên là thực hiện kê khai thuế môn bài. Vậy thuế môn bài là gì? Mức thuế cần kê khai là bao nhiêu?
Thuế môn bài là gì?
Thuế môn bài là mức thuế mà doanh nghiệp phải đóng hàng năm dựa vào vốn điều lệ được ghi trên giấy phép kinh doanh. Có nhiều quy định về thuế môn bài và các quy định đều khá rõ ràng. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp/công ty nào cũng nắm rõ về các bậc thuế, thời gian nộp thuế và quy định xử phạt.
Xác định mức thuế môn bài cần nộp
Số thuế môn bài mà doanh nghiệp phải đóng tùy thuộc vào vốn điều lệ đã đăng ký của doanh nghiệp. Cụ thể, mức thuế môn bài mà công ty phải nộp sẽ được tính như sau:
Bậc của thuế môn bài | Vốn đăng ký | Mức thuế môn bài cả năm |
Bậc 1 | Trên 10 tỷ đồng | 3 triệu đồng |
Bậc 2 | Từ 5 đến 10 tỷ đồng | 2 triệu đồng |
Bậc 3 | Từ 2 đến dưới 5 tỷ đồng | 1.5 triệu đồng |
Bậc 4 | Dưới 2 tỷ đồng | 1 triệu đồng |
Thời hạn nộp và kê khai thuế môn bài
Bên cạnh mức đóng thuế, kế toán cần xác định chính xác thời hạn nộp. Bởi nếu nộp quá hạn, doanh nghiệp có nguy cơ bị xử phạt hành chính. Tham khảo thông tin sau để đóng thuế môn bài đúng thời điểm.
Thứ nhất, xác định thời điểm thành lập doanh nghiệp
- Nếu doanh nghiệp nào được thành lập trong vòng 6 tháng đầu năm thì phải có trách nhiệm đóng thuế môn bài cả năm;
- Nếu doanh nghiệp nào được thành lập vào 6 tháng cuối năm thì chỉ đóng thuế môn bài bằng ½ thuế môn bài cả năm.
Thứ hai, thời hạn nộp thuế môn bài và các tờ khai
- Các công ty mới thành lập chưa phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh thì thời hạn nộp tờ khai và tiền Thuế môn bài là 30 ngày (kể từ ngày nhận giấy phép kinh doanh
- Các công ty mới thành lập nhưng đã phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh thì thời hạn nộp tờ khai và tiền Thuế môn bài là ngày cuối cùng trong tháng nhận được giấy phép kinh doanh
Quy trình nộp thuế môn bài
Quy trình nộp thuế môn bài được thực hiện theo hai cách. Thứ nhất, kế toán doanh nghiệp có thể nộp trực tiếp tiền mặt vào kho bạc Nhà nước qua ngân hàng Vietinbank. Cách thứ hai, doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử trích từ tài khoản ngân hàng của công ty. Với hình thức này, kế toán của doanh nghiệp nộp thuế thông qua chữ ký số.
Tuy nhiên, hiện nay một số chi cục thuế yêu cầu nộp thuế điện tử thông qua chữ ký số/chữ ký điện tử thì mới giải quyết hồ sơ khai thuế. Do vậy, việc mua chữ ký số và mở tài khoản ngân hàng là điều cần thiết đối với doanh nghiệp.
Thực hiện kê khai thuế GTGT
Sau khi thành lập công ty thì trách nhiệm các kế toán cần làm đó là thực hiện kê khai thuế GTGT cho doanh nghiệp. Các kế toán cần nắm rõ thời gian thành lập công ty/doanh nghiệp để xác định thời gian kê khai thuế GTGT.
Kỳ khai thuế
Một trong những việc kế toán cần làm khi công ty mới thành lập là thực hiện việc kê khai thuế GTGT. Đối với công ty/ doanh nghiệp mới thành lập thì đều phải kê khai thuế Giá trị gia tăng theo Quý. Sau 1 năm sản xuất kinh doanh, nếu doanh nghiệp đó có doanh thu lớn hơn 50 tỷ đồng thì sẽ phải thực hiện kê khai GTGT theo tháng.
Phương pháp kê khai thuế

Doanh nghiệp/ công ty mới thành lập được lựa chọn một trong hai phương pháp kê khai thuế là khấu trừ hoặc trực tiếp. Khi áp dụng kê khai thuế theo phương pháp khấu trừ thì doanh nghiệp phải đăng ký tự nguyện áp dụng kê khai thuế theo phương pháp khấu trừ tại mẫu 06/GTGT. Thời hạn nộp đăng ký là trước kỳ kê khai thuế theo Quý đầu tiên của doanh nghiệp.
Phương pháp khấu trừ
Đây là phương pháp áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ hoá đơn, kế toán hay chứng từ theo quy định của pháp luật về hoá đơn, kế toán, chứng từ bao gồm:
- Cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm từ cung ứng dịch vụ, bán hàng một tỷ đồng trở lên, trừ hộ, cá nhân kinh doanh;
- Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh.
Phương pháp trực tiếp
Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này (Luật số 31/2013/QH13), doanh nghiệp/công ty có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế ; cá nhân hay hộ kinh doanh cũng là đối tượng kê khai theo phương pháp trực tiếp.
Bên cạnh đó, đối tượng thực hiện phương pháp kê khai thuế trực tiếp là: tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có doanh thu phát sinh tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ, trừ tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam khấu trừ nộp thay
Lựa chọn phương pháp khai thuế cho doanh nghiệp
Trong thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đều lựa chọn phương án kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Nguyên nhân, các doanh nghiệp lựa chọn phương pháp này là họ có thể được chiết khấu trừ thuế cho hoá đơn đầu vào. Và tất cả các hoá đơn chứng từ khi thành lập công ty đều sẽ được tính đến.
Thực hiện kê khai thuế TNCN

Trong năm đầu tiên, doanh nghiệp chỉ kế khai thuế TNCN theo Quý. Kế toán khi làm thuế TNCN cần nhớ những việc sau:
- Chỉ làm tờ khai thuế TNCN trong trường hợp Quý đó phát sinh thuế TNCN phải khấu trừ
- Trường hợp doanh nghiệp không phát sinh thuế TNCN phải khấu trừ thì không cần phải nộp tờ khai thuế TNCN cho Quý đó
- Doanh nghiệp phải làm tờ khai quyết toán thuế TNCN theo mẫu 05/TK-TNCN vào thời điểm cuối năm
- Căn cứ vào doanh thu hoạt động, doanh nghiệp xác định việc kê khai thuế GTGT và TNCN cho năm sau theo Quý hay Tháng
Các công việc kế toán cần làm là gì?
Thực hiện kê khai thuế TNDN
Các doanh nghiệp/ công ty mới thành lập thì có trách nhiệm kê khai thuế TNDN theo Quý. Doanh nghiệp vẫn phải nộp tờ khai thuế TNDN trong trường hợp công ty không phát sinh thuế TNDN.
Vì vậy, các kế toán khi làm việc phải lưu ý nộp tờ khai TNDN đầu tiên cho cơ quan Thuế của đầu quý sau so với quý thành lập. Doanh nghiệp/ công ty sẽ phải nộp tờ khai quyết toán Thuế TNDN cho cơ quan Thuế quản lý vào cuối năm.
Làm thủ tục và phát hành hoá đơn
Thủ tục hóa đơn gồm hoá đơn GTGT và hoá đơn bán hàng trực tiếp sử dụng hình thức hoá đơn điện tử và hoá đơn giấy. Bất cứ doanh nghiệp sử dụng hoá đơn nào thì cũng đều phải thực hiện thủ tục phát hành hoá đơn gửi lên cơ quan thuế.
Đối với hoá đơn giấy
Sau khi hoàn thành thủ tục in hoá đơn GTGT và được sự đồng ý của cơ quan thuế quản lý trực tiếp, kế toán doanh nghiệp mới tiến hành liên hệ đơn vị in hoá đơn. Đồng thời, sau khi in hoá đơn thì sẽ tiến hành phát hành hoá đơn.
Đối với hoá đơn điện tử
Khoảng 2 ngày kể từ ngày nộp đơn, hồ sơ đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử được duyệt thì hoá đơn xuất ra mới có giá trị sử dụng. Hồ sơ xuất ra bao gồm:
- Giấy thông báo phát hành hoá đơn;
- Hoá đơn mẫu;
- Quyết định sử dụng hoá đơn
Theo quy định, thời hạn bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng hoá đơn điện tử là ngày 1/11/2020. Các doanh nghiệp có thể lựa chọn đơn vị cung cấp hoá đơn điện tử uy tín như: Viettel, Misa, BKAV,…
Báo cáo sử dụng lao động
Đối với các doanh nghiệp mới thành lập thì cần có báo cáo sử dụng lao động. Thông thường, việc này sẽ do kế toán doanh nghiệp đảm nhận. Kế toán doanh nghiệp khai việc sử dụng lao động khi mới thành lập. Đồng thời, kế toán phải có trách nhiệm báo cáo tình hình sử dụng lao động cho Phòng Lao động Thương binh và Xã hội.
Bên cạnh đó, khi thực hiện báo cáo sử dụng lao động, kế toán doanh nghiệp cần xây dựng thang, bảng lương để nộp cho Phòng Lao động Thương binh và Xã hội. Các kế toán phải luôn nắm rõ tình hình sử dụng lao động của công ty/doanh nghiệp để báo cáo cho cơ quan quản lý.
Đăng ký bảo hiểm xã hội cho lao động
Đăng ký bảo hiểm cho người lao động là trách nhiệm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp mới thành lập thì hay gặp thiếu sót về vấn đề này. Sau khi ký hợp đồng với nhân viên, các kế toán doanh nghiệp có trách nhiệm làm thủ tục đóng bảo hiểm bắt buộc cho nhân viên.
Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội thì liên hệ với Liên đoàn lao động cấp huyện nơi có trụ sở của doanh nghiệp để nộp kinh phí công đoàn. Theo quy định, trong vòng 30 ngày kể từ ngày chính thức ký hợp đồng với người lao động, các doanh nghiệp có trách nhiệm nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm cho người lao động.
Hồ sơ bao gồm:
- Danh sách người lao động tham gia BHYT, BHTN, BHXH, BHTNLĐ-BNN
- Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (theo mẫu quy định)
Một số thông tin về những việc kế toán cần làm khi công ty mới thành lập sẽ cung cấp cho bạn kiến thức cần thiết nếu muốn mở công ty. Để thực hiện tốt các công việc tại doanh nghiệp thì các kế toán phải làm việc khoa học, đúng quy trình và chỉn chu.
WinPlace chúc các doanh nghiệp luôn thành công.
Add Comment