Dù là nhân viên lâu năm hay nhân viên mới đi làm, bắt đầu công tác tại nơi làm việc mới luôn là một trải nghiệm đầy căng thẳng. Có rất nhiều điều mà chúng ta phải tập làm quen và nhiều mối quan hệ cần kết giao.
Nhưng chắc chắn điều mà bất cứ ai cũng phải đau đầu suy nghĩ, đó là: “ghi điểm” với cấp trên của mình sao cho vừa hiệu quả, vừa tinh tế.
Không có bí quyết hay lộ trình cụ thể nào trong công cuộc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cấp trên. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể bước đầu gặt hái thiện cảm bằng cách chủ động đặt ra 7 câu hỏi thông minh trong bài viết dưới đây.
Vì sao nhân viên mới nên “ghi điểm” với cấp trên của mình?
Tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với cấp trên được ví như một môn nghệ thuật. Bởi nó đòi hỏi bạn phải thấu hiểu tính cách và phong cách làm việc của họ. Từ đó điều chỉnh bản thân để thích ứng với yêu cầu họ đưa ra. Nhằm gia tăng cơ hội phát triển trong công ty và con đường sự nghiệp.

Ai cũng biết chúng ta nên phát triển sự nghiệp bằng chính năng lực của bản thân mình. Thế nhưng dù có kỹ năng và chuyên môn cao nhưng không được trọng dụng thì con đường thăng tiến của bạn cũng sẽ rất nhọc nhằn.
Vậy nên bên cạnh việc trau dồi và phát triển bản thân, nhân viên mới cũng nên biết cách tạo ra hình ảnh cá nhân đẹp trong mắt cấp trên. Từ đó tăng uy tín trong công việc, được sếp tín nhiệm cho những vị trí cao hơn.
Những câu hỏi giúp bạn “ghi điểm” với cấp trên
Tôi có thể trao đổi công việc với ai ngoài những đồng đội của mình?
Dù đa phần các công ty hiện nay luôn cố gắng xây dựng môi trường làm việc bình đẳng và độc lập. Nhưng bất kì tập thể nào cũng có những “quy định ngầm” của nó.

Biết nhiều không bằng biết điều, vậy nên để có thêm tiếng nói tại nơi làm việc. Bạn nên tìm hiểu trước về những người thực sự có ảnh hưởng đến đội nhóm của bạn hoặc tập thể công ty và kết thân với họ.
Ngoài ra, bạn cũng cần biết những gương mặt có nhiều “tai tiếng” trong công ty. Để từ đó biết chọn lọc người nào nên kết thân, người nào nên giữ khoảng cách. Hạn chế việc “vô tình” va vào những rắc rối cản trở công việc của bạn.
Sếp của bạn biết hết đó, nên bạn có thể cân nhắc để hỏi trực tiếp cấp trên của mình về vấn đề này.
Nhận biết “nhân viên nhà người ta” tại đây
Tôi nên trao đổi công việc với Anh/Chị như thế nào?
Mỗi người sẽ có một phong cách làm việc và giao tiếp riêng. Một số người thích trao đổi theo cách ngắn gọn và thẳng thắn. Vài người khác lại thích trao đổi qua email để nghiêm túc và chính thống hơn.
Cách giao tiếp của bạn có thể sẽ không phù hợp với văn hóa làm việc tại công ty. Do đó, bạn không thể mong đợi tất cả mọi người giao tiếp theo cách riêng của bạn được.

Đó là còn chưa kể đến trong thời điểm dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu ổn định như hiện nay. Nhờ có sự phát triển của Internet, hình thức làm việc tại nhà ngày càng phổ biến hơn.
Nhược điểm của hình thức làm việc này là việc trao đổi công việc giữa bạn và cấp trên sẽ khó khăn hơn. Nhược điểm này lắm lúc sẽ là trở ngại trong công việc của bạn.
Điều quan trọng lúc này là tìm ra cách trao đổi công việc phù hợp với văn hóa công ty nhất. Linh hoạt trong giao tiếp và làm việc cũng là cách để bạn thể hiện sự chuyên nghiệp của mình.
Tôi có thể xin ý kiến đóng góp và phản hồi từ Anh/Chị như thế nào?
Ý kiến đóng góp từ cấp trên là chìa khóa quan trọng giúp bạn cải thiện năng lực và hiệu suất công việc.

Vì thế, hãy chủ động gửi mail hẹn trước với họ, đề xuất thời gian, địa điểm mong muốn và nêu rõ mục đích xin phản hồi về các đầu việc đang thực hiện. Khoảng thời gian phù hợp cho buổi gặp là từ 15 đến 20 phút.
Một lưu ý nhỏ là mặc dù gặp trực tiếp là cách thức tốt nhất. Nhưng bạn nên linh hoạt trao đổi bằng mail nếu một trong hai không thể đáp ứng vấn đề thời gian.
Tôi có thể làm gì để đóng góp cho nhóm và đem lại giá trị cho công ty?
Câu hỏi này sẽ cho phép bạn làm rõ vai trò của mình, xác định kỳ vọng mà sếp đặt ra. Cũng như có chiến lược ưu tiên công việc và những gì mà bạn có thể đóng góp từ đầu.

Cấp trên thường không nói rõ những kỳ vọng của họ cho vị trí của bạn là gì. Hiển nhiên là họ cũng sẽ không cho biết họ cần gì ở đội nhóm của bạn. Vậy nên tốt nhất là bạn hãy hỏi người quản lý của bạn câu hỏi này để tìm được chiến lược phát triển phù hợp.
Tham khảo thêm dịch vụ: Văn phòng giao dịch tại WinPlace
Nếu Anh/Chị đứng ở vị trí của tôi thì Anh/Chị sẽ làm gì?
Câu hỏi này không chỉ đặt cấp trên phải nhìn nhận sự việc từ vị trí của bạn, từ đó đồng cảm với bạn hơn. Mà còn cho họ thấy rằng bạn tôn trọng họ và đánh giá cao chuyên môn của họ.

Không quan trọng là họ đưa ra lời khuyên có giá trị thế nào với bạn. Chúng đều sẽ giúp bạn hình thành mối quan hệ tốt đẹp hơn với sếp của mình. Bạn cũng sẽ hiểu thêm về cách tư duy, nhìn nhận và làm việc của cấp trên.
Tôi nên phát triển năng lực của mình bằng cách nào?
Thị trường lao động ngày càng cạnh tranh hơn yêu cầu bạn phải luôn trau dồi và tiến bộ từng ngày để nâng cao chuyên môn của mình. Tự thân vận động thì cũng tốt thôi, nhưng bạn sẽ tốn nhiều thời gian và công sức hơn để mày mò học hỏi.

Thay vào đó, sao không “tầm sư học đạo” chính người quản lý của mình – những người đã rất xuất sắc trong việc dẫn dắt và đào tạo đội nhóm? Bạn cũng có thể tập dụng cơ hội này để thể hiện bản thân với cấp trên nữa đấy!
Tôi nên cải thiện điều gì để đạt hiệu quả công việc tốt hơn?
Sau vài tuần thử việc, đặt ra câu hỏi này sẽ khiến sếp của bạn phải đánh giá một cách nghiêm túc. Cũng như nhìn nhận lại những gì bạn đã làm để xem bạn đã đạt được những gì sếp mong đợi chưa.

Một số người thường khó feedback trực tiếp với cấp dưới của mình vì sợ mích lòng với họ. Cho nên nếu bạn có thể chủ động hỏi họ mà không ngại tiếp nhận phản hồi sẽ khiến họ chú ý đến bạn hơn.
Lời kết
Không ai là giống nhau, vậy nên xuất phát điểm và hoàn cảnh của mỗi người cũng sẽ như vậy. Điều này có nghĩa là một số câu hỏi trong bài viết này có thể không phù hợp với bạn. Nếu biết ứng dụng những gợi ý kể trên một cách khéo léo, bạn sẽ trở nên nổi bật hơn trong mắt cấp trên của mình.
Nhìn chung, những nhà quản lý cũng là những người có cảm xúc và cảm nhận như bao người. Vậy nên họ đều sẽ có ít nhiều “thiên vị” thôi dẫu có là người công bằng đến đâu.
Chỉ cần chủ động hiểu rõ cấp trên của mình thôi là bạn đã đi được một nửa trong hành trình tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với sếp rồi đấy. WinPlace chúc bạn thành công!
Add Comment