Hướng dẫn tra cứu mã ngành đăng ký kinh doanh

Mã ngành đăng ký kinh doanh

Mã ngành đăng ký kinh doanh là thông tin cần nắm khi nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Sự phát triển của nền kinh tế đã tạo cơ hội cho nhiều cá nhân bắt đầu sự nghiệp riêng. Khi đăng ký doanh nghiệp, tra cứu thông tin trong danh mục ngành nghề kinh doanh khiến nhiều người bối rối. Bài viết sẽ hướng dẫn chi tiết cách đăng ký đúng mã ngành. 

Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang ở trên đà phát triển và đã đạt được những thành tựu nhất định. Hệ thống các ngành kinh tế đa dạng và sự phân bố hợp lý ở các nhóm ngành đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên sự thành công này.  Để có sự quản lý chặt chẽ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/2008/QĐ-TTg về ban hành hệ thống các ngành nghề kinh tế tại Việt Nam. 

Ngành cấp 1

Ngành cấp 1 gồm 21 ngành nghề, được ký hiệu bằng các ký tự trong bảng chữ cái tiếng anh. Thuật ngữ này là tập hợp các lĩnh vực khái quát nhất, những nhóm nghề nổi bật của hệ thống kinh tế Việt Nam. Từ hệ thống các ngành cấp 1, những ngành nghề cụ thể hơn sẽ được sắp xếp và phân bố vào những lĩnh vực “mẹ”  phù hợp với nó. 

Không sai khi nói rằng hệ thống ngành cấp 1 chính là nền tảng cơ bản và quan trọng nhất của hệ thống nền kinh tế Việt Nam. Các ngành nghề của hệ thống ngành cấp 1 có thể kể đến như: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (A); khoáng sản (B); công nghiệp chế biến và chế tạo (C); xây dựng (F); vận tải kho bãi (H),…

Những ký hiệu chữ này có ý nghĩa quan trọng trong xác định mã ngành đăng ký kinh doanh. Tuy không được ghi nhận trong mã số đăng ký kinh doanh, nhưng những ký hiệu này giúp việc xác định các ngành nghề “con” được trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.  

Ngành cấp 2

Ngành cấp 2 bao gồm 88 ngành nhỏ hơn, được mã hóa bằng ký hiệu là hai chữ số tương ứng theo ngành cấp 1. Thuật ngữ ngành cấp 2 hiểu một cách đơn giản hơn chính là tập hợp những nhóm ngành, những lĩnh vực “con” của ngành cấp 1. Khái quát nhóm ngành này sẽ giúp chúng ta đi sâu hơn vào hệ thống phân ngành của nền kinh tế Việt Nam.

Lấy ví dụ với nhóm ngành cấp 1 – Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Ngành cấp 2 của nhóm ngành này sẽ bao gồm: Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan, Lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan. Ngành còn lại là Thủy sản và hoạt động dịch vụ có liên quan. Mã số ký hiệu lần lượt của các ngành này là 01, 02 và 03.

Những mã số ký hiệu của nhóm ngành cấp 2 sẽ chạy liên tục từ trên xuống dưới chứ không tính theo riêng từng ngành cấp 1. Bạn cần phải lưu ý đến vấn đề này. Ví dụ, các ngành cấp 2 của nhóm ngành Khoáng sản (mã ký hiệu là B), sẽ được ký hiệu từ số 05 cho đến số 09. Nhóm ngành cấp 2 của ngành cấp 1 thứ ba – Công nghiệp chế biến và chế tạo (C) có số ký hiệu tiếp tục từ 10 đến 33. 

Ngành cấp 3

Cụ thể hơn ngành cấp 2, nhóm ngành cấp 3 gồm 242 ngành, được ký hiệu mã hóa bằng ba con số tương ứng với mã ngành cấp 2 mà nó là “con”. Đến đây, sự phân loại các ngành nghề đã dần được cụ thể và chi tiết hơn. Tuy nhiên, khác với mã ngành đăng ký kinh doanh cấp 2, các mã số ký hiệu của nhóm ngành cấp 3 sẽ được ký hiệu quay vòng, tuần tự trong từng mã ngành cấp 2 riêng biệt.   

Xem xét tại Phụ lục số 01 ban hành kèm Quyết định số 27/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, ta sẽ có cái nhìn khái quát về ngành nghề cấp 3. Có thể thấy ở ngành cấp 2 – Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ liên quan – sẽ có các ngành cấp 3 với số ký hiệu từ 011 đến 017. Đó là các ngành trồng cây hàng năm (011), trồng cây lâu năm (012), nhân và trồng giống cây nông nghiệp (013),…..

Ở nhóm ngành cấp 2 khác – Lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ liên quan, các ngành cấp 3 sẽ được đánh số ký hiệu là từ 021 đến 024. Trong nhóm ngành cấp 2 Thủy sản và hoạt động dịch vụ liên quan, hai ngành cấp 3 sẽ có mã số ký hiệu lần lượt là 031 và 032. 

Ngành cấp 4

Cấp bậc tiếp theo trong hệ thống các ngành kinh tế Việt Nam là ngành cấp 4. Nhóm ngành này là tập hợp những ngành nghề, hoạt động “con” của nhóm ngành cấp 3. Ở mức độ này, hệ thống các ngành kinh tế Việt Nam đã dần trở nên cụ thể nhất. Theo phân ngành, Việt Nam hiện có tổng cộng 486 ngành cấp 4. Mã ký hiệu của nhóm này bao gồm bốn con số theo ngành cấp 3 tương ứng. 

Tương tự như ngành cấp 3, các mã số ký hiệu ở ngành cấp 4 cũng được đếm một cách tuần tự, tùy thuộc vào số lượng ngành nghề “con” mà cấp 3 “sở hữu”. Ví dụ, đối với mã ngành đăng ký kinh doanh trồng cây hàng năm, ngành cấp 3 này có lần lượt 09 ngành thuộc ngành cấp 4. Mã số ký hiệu các ngành này lần lượt là 0111 – trồng lúa, 0112 – trồng ngô và cây lương thực có hạt, đến 0119 – trồng cây hàng năm khác. 

Mã ngành cấp 4 có vai trò vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp vì đây cũng chính là mã ngành đăng ký kinh doanh. Vì vậy, trong bảng hệ thống các ngành nghề kinh tế Việt Nam, đây sẽ là mã số cần được chú trọng và quan tâm nhất. 

Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, đơn vị cần xác định mã ngành đăng ký kinh doanh cấp 4 chính xác để điền thông tin đăng ký. Mặc dù hiện nay đây không còn là nội dung trong giấy phép đăng ký kinh doanh, nhưng đơn vị vẫn cần cung cấp chính xác thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước. 

Xem thêm >>> Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh đơn giản với 4 bước 

Ngành cấp 5

Đây chính là phân cấp nhỏ nhất trong hệ thống các ngành nghề có trong nền kinh tế Việt Nam. Vì là nhỏ nhất và cụ thể nhất nên số lượng các ngành nằm ở cấp độ này cũng chiếm số lượng đông nhất, với tổng số ngành đạt đến con số 734. Mã số ký hiệu của các ngành cấp 5 sẽ bao gồm năm chữ số theo ngành cấp 4 tương ứng.
Dựa vào bảng phụ lục số 01, ta có thể nhận thấy một điều rằng không phải mọi ngành cấp 4 đều có những ngành nghề cấp 5 đi kèm. Vì vậy, đối với một số ngành nhất định, mã số ngành cấp 5 sẽ có hình thức là mã số ký hiệu của ngành cấp 4 ghi kèm thêm một số 0 ở phía sau. Khi đăng ký kinh doanh, bạn có thể viết cụ thể tên ngành cấp 5 chi tiết kèm theo thay vì mã số của nó. 

Cách tra cứu ngành nghề nhanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp

Từ những tìm hiểu về hệ thống ngành nghề hiện tại ở Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy được rằng số lượng các ngành nghề là rất lớn. Sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp khi tra cứu mã ngành đăng ký kinh doanh bằng phương pháp thủ công, như dò bằng tay hoặc mắt. Dưới đây sẽ là những gợi ý để giúp bạn dễ dàng có được danh mục ngành nghề đăng ký kinh doanh.

Tra cứu theo nội dung từng ngành nghề 

Hiện nay, hệ thống các ngành nghề của Việt Nam được sắp xếp chủ yếu dựa trên nội dung của từng ngành nghề cụ thể. Danh mục này do Thủ tướng Chính phủ ban hành và đang được áp dụng phổ biến, rộng rãi. Vì vậy, bạn có thể dễ dàng tra cứu được nhóm ngành mà mình muốn đăng ký kinh doanh dựa trên yếu tố nội dung của từng ngành nghề.  

Để tiến hành tra cứu theo cách thức này, điều đầu tiên là bạn cần truy cập vào văn bản nhà nước danh mục ngành nghề đăng ký kinh doanh download về để sử dụng. Ngoài ra, bạn cũng  có thể tra cứu trực tiếp trên hệ thống. Bạn nên chắc chắn đây là danh mục ngành nghề đăng ký kinh doanh mới nhất để đảm bảo được độ chính xác của mã ngành.

Danh mục ngành nghề đăng ký kinh doanh download tại đây

Các ngành nghề sẽ được sắp xếp theo thứ tự tương ứng với ba cơ cấu chính trong kinh tế Việt Nam: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Việc tiếp theo bạn cần làm là xác định được ngành nghề mình đang tìm kiếm thuộc lĩnh vực nào trong ba cơ cấu chính nêu trên. Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng xác định được vị trí của ngành nghề mà mình muốn tra cứu mã đăng ký kinh doanh.  

Từ những nội dung đã được chuẩn bị, bạn sẽ dần xác định lần lượt được ngành cấp 1, ngành cấp 2 và ngành cấp 3. Sau cùng, bạn chỉ cần tìm đúng tên ngành cấp 4 – cũng chính là ngành bạn muốn đăng ký kinh doanh. Mã số của ngành cấp 4 cũng đồng thời là mã ngành đăng ký kinh doanh mà bạn đang muốn tra cứu.  

Tra cứu theo từ khóa

Một phương pháp khác cũng giúp bạn tra cứu nhanh chóng mã ngành đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp của mình là tra cứu thông qua từ khóa của ngành. Phương pháp này có sự tương tự nhất định với phương pháp tra cứu theo nội dung, nhưng tốc độ hơn. Để đạt được hiệu quả cao khi tra cứu theo phương pháp này, bạn nên có sự trợ giúp của máy tính cũng như các công cụ tìm kiếm.

Danh mục ngành nghề đăng ký kinh doanh hiện nay rất dễ dàng có thể tìm kiếm được ở trên mạng Internet. Chỉ cần nhập cụm từ “danh mục ngành nghề” vào thanh công cụ Google, với một cú click chuột, hàng ngàn các kết quả sẽ xuất hiện. Bạn cần phải có sự chọn lọc danh mục ngành nghề đăng ký kinh doanh mới nhất để đảm bảo tính chính xác của các thông tin. 

Bước tiếp theo, bạn hãy sử dụng các công cụ tìm kiếm có sẵn trong máy tính (đơn giản nhất là sử dụng tổ hợp Ctrl + F) và nhập từ khóa để tìm kiếm. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng các công cụ tìm kiếm của chính trang web giúp tìm mã ngành một cách đơn giản và nhanh chóng thông qua từ khóa nổi bật của ngành. 

Tra cứu tại cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Nếu bạn cảm thấy không yên tâm khi tìm kiếm các thông tin về danh mục ở những website hoặc đường link không chính thống. Vậy hãy thử tìm hiểu và tra cứu tại cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đây là một trong những trang web do chính Nhà nước quản lý, vì thế, những thông tin trên đây đều có độ chính xác rất cao.

Khi bạn đăng nhập vào cổng thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh, hộp thư tìm kiếm sẽ nằm ở góc phải phía trên cùng của website. Bạn chỉ cần nhập nội dung mà bạn muốn tìm kiếm, ví dụ như “mã ngành đăng ký kinh doanh ngành xây dựng nhà để ở” và click chuột tìm kiếm là đã có được đáp số. Đây cũng là cách thức phổ biến nhất mà hầu hết các doanh nghiệp đang sử dụng hiện nay. 

Ngoài việc tra cứu mã ngành đăng ký kinh doanh, cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp còn cung cấp những thông tin khác rất hữu ích. Doanh nghiệp có thể tìm hiểu các thủ tục mới nhất về đăng ký kinh doanh, tra cứu các văn bản pháp luật có liên quan, tình hình đăng ký doanh nghiệp,…. Các nội dung liên quan đến bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng được website cập nhật liên tục. 

Cổng thông tin tra cứu mã ngành đăng ký kinh doanh của Nhà nước: Truy cập tại đây. 

Quy định mới về đăng ký ngành nghề kinh doanh

Khi làm hồ sơ đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, bạn cần lưu ý đến cách ghi mã số đăng ký kinh doanh. Mã số này chính là mã số ký hiệu của ngành cấp 4 trong bảng hệ thống các ngành nghề Việt Nam do Thủ tướng ban hành. Đi kèm theo đó, bạn có thể ghi mã số của ngành cấp 5 hoặc ghi bằng chữ để diễn giải chi tiết ngành nghề kinh doanh mà bạn muốn đăng ký. 

Tham khảo thêm >>> Hồ sơ thủ tục đăng ký kinh doanh

Bạn cũng cần lưu ý các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động đăng ký ngành nghề kinh doanh. Các văn bản này đã có những sự sửa đổi, bổ sung về thủ tục, đối tượng và danh mục các ngành nghề được phép kinh doanh cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Trực tiếp và cụ thể nhất chính là hai đạo luật – Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020. 

Luật doanh nghiệp 2020, cụ thể là quy định tại khoản 2 Điều 17, đã quy định thêm những đối tượng không được phép thành lập doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp. Các chủ thể được bổ sung bao gồm: người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; công nhân công an; tổ chức là pháp nhân thương mại bị Bộ luật hình sự cấm kinh doanh.

Danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020 đã có sự thay đổi. Những ngành nghề như kinh doanh dịch vụ tiêm chủng, kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ,… đã được loại bỏ khỏi danh sách này. Các ngành nghề khác liên quan đến hoạt động giáo dục, phát triển công nghệ,… được bổ sung vào danh sách được ưu tiên phát triển. 

Việc cập nhật các quy định pháp luật mới về đăng ký ngành nghề kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp bạn xác định được những thông tin cơ bản nhất. Từ đó giúp định hướng cho doanh nghiệp về ngành nghề kinh doanh cho phù hợp, đồng thời chuẩn bị được những giấy tờ cần thiết để hoàn thiện hồ sơ đăng ký. 

Thực hiện hoạt động kinh doanh hợp pháp nhằm tìm kiếm lợi nhuận luôn là điều mà Nhà nước khuyến khích các cá nhân thực hiện. Một những khó khăn nhất trong hoàn thiện hồ sơ đăng ký kinh doanh chính là tra cứu mã ngành đăng ký kinh doanh. Hy vọng bài viết đã cung cấp được những thông tin hữu ích đối với bạn, giúp bạn thuận lợi hơn trong quá trình đăng ký kinh doanh của mình. 

Add Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài viết liên quan

CitiLight
Chi nhánh quận 1
CitiLight Tower, 45 Võ Thị Sáu, P.Đa Kao, Q.1

Toà nhà văn phòng ngay trung tâm Quận 1

Đem đến hình ảnh chuyên nghiệp, đẳng cấp cho DN

Quy mô: 10.150 m²- 14 tầng

Quản lý chuyên nghiệp từ Savills Việt Nam

jamona
Chi nhánh quận 7
Jamona Heights , 210 Bùi Văn Ba, P. Tân Thuận Đông, Q.7

Toà nhà hiện đại, thuộc khu đô thị ven sông sầm uất, tiện nghi

Không gian làm việc ‘xanh’, ôm trọn view Q.7

Quy mô: 5,768 m²

Gồm 2 blocks – 18 tầng