Nhiều nhà đầu tư còn băn khoăn nên chọn hình thức doanh nghiệp nào khi thành lập công ty. Mỗi loại hình doanh nghiệp lại có ưu điểm, nhược điểm khác nhau, phù hợp với ngành nghề, mục đích hoạt động kinh doanh khác nhau của từng công ty. Tất cả thắc mắc khi lựa chọn hình thức doanh nghiệp sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết này.
Các yếu tố quyết định việc lựa chọn hình thức doanh nghiệp khi thành lập công ty
Có nhiều yếu tố chủ doanh nghiệp cần cân nhắc khi lựa chọn loại hình doanh nghiệp:
Quy mô doanh nghiệp
Thứ nhất, quy mô của doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn tới việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp. Thông thường nếu, công ty có quy mô vốn nhỏ thì bạn nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn.
Ngược lại, nếu nguồn vốn lớn và công ty hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực thì lựa chọn hình thức công ty cổ phần sẽ giúp công ty có cơ hội mở rộng quy mô và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Tư cách pháp nhân
Yếu tố về tư cách pháp nhân cũng ảnh hưởng tới việc lựa chọn hình thức doanh nghiệp nào khi thành lập công ty. Cụ thể nếu bạn lựa chọn hình thức Doanh nghiệp tư nhân thì công ty sẽ không có tư cách pháp nhân. Còn các loại hình doanh nghiệp khác đều có tư cách pháp nhân.

Trách nhiệm về vốn và các khoản nợ
Tùy vào từng loại hình doanh nghiệp mà chủ sở hữu công ty và các thành viên sẽ phải chịu trách nhiệm ở mức độ khác nhau về các hoạt động của công ty và nghĩa vụ về các khoản nợ cũng như tài sản khác của công ty.
Cụ thể đối với công ty tư nhân thì chủ sở hữu phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Đối với công ty hợp danh thì các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình, các thành viên góp vốn thì chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp.
Đối với công ty TNHH 1 thành viên thì chủ sở hữu chịu trách nhiệm về hoạt động của công ty và thực hiện nghĩa vụ về các khoản nợ và các tài sản khác tương đương với số vốn điều lệ của công ty.
Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên thì công ty phải thực hiện các nghĩa vụ trên bằng tài sản của công ty. Các thành viên thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi số vốn góp của mình.
Đối với Công ty cổ phần thì công ty phải chịu trách nhiệm về tài sản và nghĩa vụ nợ bằng toàn bộ giá trị tài sản của mình; còn các cổ đông chỉ cần chịu trách nhiệm tương ứng với số cổ phần mà mình nắm giữ.
Cách thức huy động vốn
Cách thức huy động vốn là một yếu tố mà các nhà sáng lập cần cân nhắc khi lựa chọn loại hình doanh nghiệp. Thông thường có hai loại vốn là vốn vay và vốn chủ sở hữu.
Không phải loại hình doanh nghiệp nào cũng được phát hành chứng khoán để vay vốn. Cụ thể Doanh nghiệp tư nhân và Công ty hợp danh không được phép phát hành bất cứ loại chứng khoán nào. Công ty TNHH 1 thành viên và Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có quyền phát hành trái phiếu, nhưng không được phép phát hành cổ phiếu.
Công ty cổ phần được phép phát hành tất cả các loại chứng khoán, bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu,…
Tất cả mọi loại hình doanh nghiệp đều có thể thực hiện vay vốn. Nhưng để tăng vốn chủ sở hữu thì chỉ loại hình Công ty cổ phần mới có quyền phát hành cổ phiếu để huy động vốn.
Tham khảo thêm về các Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh tại đây
Các loại hình doanh nghiệp hiện nay tại Việt Nam
Để có thể đưa ra quyết định chính xác cho câu hỏi chọn hình thức doanh nghiệp nào khi thành lập công ty, nhà sáng lập nên tìm hiểu rõ về từng loại hình doanh nghiệp.

Hiện nay theo quy định của pháp luật Việt Nam, có 5 loại hình doanh nghiệp. Mỗi loại hình doanh nghiệp có các đặc điểm và ưu/ nhược khác nhau.
Doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân có chủ sở hữu là một cá nhân. Cá nhân này là chủ người thành lập doanh nghiệp và phải tự chịu trách nhiệm về tất cả hoạt động của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản của chính mình. Nghĩa là không có sự tách biệt giữa tài sản của doanh nghiệp với tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp.
Mỗi người không được phép thành lập nhiều hơn một doanh nghiệp tư nhân. Khi bạn đã là chủ doanh nghiệp tư nhân thì bạn không được phép trở thành thành viên của công ty hợp danh và cũng không được phép làm chủ hộ kinh doanh.
Doanh nghiệp tư nhân cũng không được phép phát hành chứng khoán để huy động vốn.
Cuối cùng, doanh nghiệp tư nhân không được phép mua cổ phiếu của Công ty cổ phần; không được phép góp vốn thành lập Công ty hợp danh/ Công ty TNHH.
Tham khảo thêm dịch vụ Văn phòng giao dịch tại WinPlace
Công ty hợp danh
Công ty hợp danh bao gồm các thành viên hợp danh và các thành viên góp vốn. Trong đó, các thành viên hợp danh là chủ sở hữu công ty, bao gồm tối thiểu 2 thành viên. Các thành viên hợp danh không được phép là tổ chức.
Tên công ty thường là tên của một thành viên hoặc ghép từ tên của các thành viên hợp danh. Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân và không được phép phát hành chứng khoán để huy động vốn.
Mỗi cá nhân trong các thành viên hợp danh đều phải chịu trách nhiệm về tất cả hoạt động của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản của chính mình. Nghĩa là không có sự tách biệt giữa tài sản của doanh nghiệp với tài sản của các thành viên hợp danh.
Về các thành viên góp vốn: không giới hạn số lượng. Thành viên góp vốn không cần chịu trách nhiệm với hoạt động của công ty bằng toàn bộ tài sản của mình, mà phạm vi chịu trách nhiệm tương ứng với phạm vi vốn góp của họ.

Công ty TNHH 1 thành viên
Công ty TNHH 1 thành viên có chủ sở hữu là một cá nhân hoặc một tổ chức. Chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động của công ty (cụ thể nghĩa vụ về tài sản và các khoản nợ) tương đương với số vốn điều lệ của công ty. Như vậy, ở đây có sự tách biệt giữa tài sản của chủ sở hữu và tài sản của công ty.
Công ty TNHH 1 thành viên có tư cách pháp nhân. Loại hình công ty này không được phép phát hành cổ phiếu, nhưng được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn.
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Chủ sở hữu của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Số lượng thành viên của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên tối thiểu là 2 thành viên và tối đa là 50 thành viên.
Về trách nhiệm của thành viên: các thành viên trong Công ty TNHH 2 thành viên trở lên chỉ phải chịu trách nhiệm về hoạt động của công ty (cụ thể nghĩa vụ về tài sản và các khoản nợ) tương đương với số vốn điều lệ của công ty. Như vậy, ở đây có sự tách biệt giữa tài sản của chủ sở hữu và tài sản của công ty.
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có tư cách pháp nhân. Loại hình công ty nào được phép huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, không được phép phát hành cổ phiếu.
Công ty cổ phần
Chủ sở hữu của Công ty cổ phần là các cổ đông (là cá nhân hoặc tổ chức). Số lượng cổ đông ít nhất là 3 và không giới hạn. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân, được phép phát hành các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu,…) để huy động vốn.
Xét về trách nhiệm đối với tài sản và các khoản nợ: Công ty cổ phần phải chịu trách nhiệm về tài sản và thực hiện thanh toán nghĩa vụ nợ bằng toàn bộ giá trị tài sản của công ty; còn các cổ đông chỉ cần chịu trách nhiệm tương ứng với số cổ phần mà mình nắm giữ.
Do có khả năng huy động vốn lớn, chuyển nhượng linh hoạt giữa các nhà đầu tư nên Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp phù hợp với quy mô kinh doanh lớn, đa ngành nghề.
Chọn hình thức doanh nghiệp nào khi thành lập công ty không hề khó nếu như bạn nắm rõ các loại hình doanh nghiệp, cũng như ưu nhược điểm của từng loại hình. Từ đó, bạn có thể lựa chọn được loại hình phù hợp nhất với công ty mình.
WinPlace chúc các doanh nghiệp thành công!
Add Comment